Thử thách 365 ngày với tiếng Anh - Ngày 5 - Ngữ cảnh, ngữ vực và dịch thuật
Thử thách 365 ngày với tiếng Anh - Ngày 5 - Ngữ cảnh, ngữ vực và dịch thuật; context, register & translation, translation and language: linguistic, theories, explained
Dịch thuật - dưới cái nhìn của một người ngoại đạo, mới tập tọe bước vào sống với nó một cách chân thực hơn, bài bản hơn và nghiêm túc hơn, hẳn còn nhiều khía cạnh và góc độ phải nghiên cứu, nghiền ngẫm, tìm cách ứng dụng, xem xét lại vả không ngừng cải tiến sau mỗi sản phẩm nhỏ nhoi.
Khi đọc các tài liệu do các dịch giả Việt Nam viết, khi đọc sách "ngoại", bản pdf mà người viết xin được từ những người đi trước, khi thì gom nhặt những bài viết, những chia sẻ trên mạng xã hội, trên tinh thần đọc với tư duy phản biện, người viết chia sẻ dưới đây những quan điểm của anh Nguyễn Phước Vĩnh Cố về Ngữ cảnh, Ngữ vực và Dịch thuật.
Có thể người viết sẽ quay lại để mạn phép anh Nguyễn Phước Vĩnh Cố edit/cấu trúc lại một chút về mạch văn hoặc các liên từ, khớp nối đoạn để người đọc có thể theo dõi thuận tiện hơn, nhưng trước mắt, xin giữ nguyên bản để người đọc quan tâm tham khảo trước và cùng suy ngẫm, trao đổi.
Giờ là lúc chúng ta bắt đầu:
NGỮ CẢNH (CONTEXT), NGỮ VỰC (REGISTER) & DỊCH THUẬT (TRANSLATION)
Nhân một thành viên tên Nguyễn Phúc Diễn Đàn Biên Phiên Dịch Tiếng Anh hỏi: ‘Đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên" dịch sang tiếng Anh như nào cho đúng ạ? ’. Xin góp đôi lời.
NGỮ CẢNH (CONTEXT), NGỮ VỰC (REGISTER)
TỪ ĐIỂN: NGỮ CẢNH – NGỮ VỰC
Theo từ điển Longman về Giảng dạy Ngôn ngữ & Ngôn ngữ học ứng dụng (tr. 82) thì ‘Ngữ cảnh xuất hiện trước và hoặc sau một từ, một ngữ và thậm chí một phát ngôn dài hơn hoặc một văn bản. Ngữ cảnh thường góp phần hiểu nghĩa cụ thể của một từ, một ngữ, v.v. Ví dụ từ ‘loud’ trong ‘loud music’ thường được hiểu là nghĩa ‘ồn ào/ầm ĩ’ trong khi trong cụm từ ‘ a tie with a loud pattern’ thì nó lại được hiểu như là ‘màu sắc lòe loẹt’. Ngữ cảnh cũng có thể là một tình huống xã hội rộng lớn hơn mà trong đó một đơn vị/mục ngôn ngữ (linguistic item) được dùng. Ví dụ trong ngôn ngữ thông thường, từ ‘spinster’ chỉ một phụ nữ lớn tuổi chưa chồng nhưng trong ngữ cảnh pháp lý nó chỉ bất kỳ một người phụ nữ nào chưa chồng.’ (that which occurs before and/or after a word, a phrase or even a longer UTTERANCE or a TEXT. The context often helps in understanding the particular meaning of the word, phrase, etc. For example, the word ‘loud’ in ‘loud music’ is usually understood as meaning ‘noisy’ whereas in ‘a tie with a loud pattern’ it is understood as ‘unpleasantly colourful’. The context may also be the broader social situation in which a linguistic item is used. For example, in ordinary usage, ‘spinster’ refers to an old unmarried woman but in legal context it refers to ‘any’ unmarried woman).
NGỮ VỰC LÀ GÌ?
Ngữ vực (tr. 313), cũng theo từ điển này là ‘một BIẾN THỂ LỜI NÓI’ do một nhóm người cụ thể sử dụng, thường chia sẽ cùng một ngành nghề (như bác sĩ, luật sư) hoặc cùng một sở thích (các nhà sưu tầm tem, các cổ động viên bóng chày.)
Một ngữ vực cụ thể thường phân biệt nó với các ngữ vực khác bởi một số từ khu biệt bằng cách dùng các từ hoặc ngữ theo một cách cụ thể ( như ‘deuce’ (40 đều), ‘love’ (không/không có tỉ số), ‘tramlines’ (hai đường song song trên sân quần vợt đánh dấu vùng phụ dùng cho khi chơi đấu đôi) trong quần vợt. (a SPEECH VARIETY used by a particular group of people, usually sharing the same occupation (e.g. doctors, lawyers) or the same interests (e.g. stamp collectors, baseball fans).
A particular register often distinguishes itself from other registers by having a number of distinctive words, by using words or phrases in a particular way (e.g. in tennis: ‘deuce’, ‘love’, ‘tramlines’), and sometimes by special grammatical constructions (e.g. legal language) ).
DỊCH THUẬT: NGỮ CẢNH – NGỮ VỰC
Trong cuốn sách ‘Translation’ của mình, Alan Duff (tr.19) cho rằng ‘Vì mọi từ ngữ đều được hình thành bởi ngữ cảnh của nó, nên chúng ta có thể nói – rất rõ – rằng ngữ cảnh đến trước ngôn ngữ (Since all words are shaped by their context, we can say – very broadly – that context comes before language).
Vậy câu hỏi là ngữ cảnh có thực sự quan trọng không? Câu trả lời là ‘có’ vì ngữ cảnh giúp ta xác định sự chọn lựa. Điều này cắt nghĩa tại sao khi đặt mua báo dài hạn ta có thể gởi một bức thư ngắn kèm theo dòng chữ ‘Enclosed please find a cheque for $50’ (Kèm theo đây là tấm ngân phiếu trị giá 50 đô la) nhưng lại không gởi một lá thư ngắn viết cho con cái ta một câu như thế khi gởi cho chúng một ít tiền tiêu vặt. Hai tác giả khác là B. Hatim & I Mason khi bàn về ngữ cảnh trong dịch: phân tích ngữ vực (context in translating: register analysis) trong cuốn sách ‘Discourse and the translator’ đã cho hai ví dụ mà theo họ chúng tương đương theo nội dung mệnh đề:
(1) I am sending you ..
(2) Please find enclosed …
Tuy nhiên theo họ thì câu 2 lại vi phạm những quy ước khi viết các lá thư cá nhân nên sẽ không phù hợp cho khi dùng chúng để viết thư thân mật cho bạn bè.
Ngữ cảnh theo Alan Duff (tr.20) có nghĩa là ‘cái điều’, ‘cái nơi’, và ‘ta đang giao tiếp với ai’, tức là, cái điều ta đang viết hay nói về (chủ đề), cái nơi ngôn ngữ đang xảy ra (nơi chốn hoặc xuất bản phẩm), và đối tượng nào ta đang nói đến. Ba điều này, theo Alan Duff, đều liên quan đến dịch.
- NGỮ VỰC LÀ GÌ?
Nếu ngữ cảnh là ‘cái điều’, ‘cái nơi’, ‘với ai’ thì theo Alan Duff, ngữ vực lại là ‘như thế nào’ (If context is the ‘what’, ‘where’, and ‘to whom’, then register is the ‘how’). Ta nói/viết (biểu đạt) như thế nào ở một ngữ cảnh cụ thể? Tại sao ở hầu hết mọi ngôn ngữ các từ ngữ sau thường được kết hợp một cách tự nhiên với các ngữ cảnh cụ thể như ‘In the author’s opinion’: theo ý kiến của tác giả (bài báo khoa học), ‘scattered thundershower’: có dông một vài nơi (dự báo thời tiết), ‘light refreshments will be served’: có phục vụ thức ăn nhẹ (thư thông báo). Câu hỏi là tại sao hai người sống ở nông thôn khi nói về thời tiết lại không thể nói đến ‘scattered thundershowers’, Và tại sao chủ nhân của một buổi tiệc thân mật lại không thể nói với bạn bè mình rằng ‘light refreshments will now be served’.
Câu trả lời đơn giản nhất của Alan Duff là chúng ta đang tuân theo các quy tắc của cách dùng và các quy tắc này phần nhiều là bất thành văn. Không có một quy tắc nào nói rằng chúng ta không thể đề cập đến ‘có dông một vài nơi’ trong một lá thư tình hoặc trong một luận án hàn lâm, mặc dầu điều đó có vẻ lạ lẩm nếu ta làm thế.
Điều gì sẽ xảy ra nếu ta cố gắng phá bỏ các quy tắc bất thành văn này? Và thực sự chúng có tồn tại. Liệu chúng ta mong tìm thấy câu sau đây trong một sách quảng bá du lịch, trong một bài báo khoa học hoặc không hề có ở cả hai?
Samples of sand taken from the sun-kissed, palm-fringed beaches of Goa reveaved abnormally high concentrations of sodium chloride. (Các mẫu cát được lấy ra từ những bãi biển đầy rám nắng với các hàng cọ của xứ Goa cho thấy rằng nồng độ cao bất thường của clorua natri)
Câu trả lời có thể nhất là không có ở cả hai. Câu này dĩ nhiên là một câu được nghĩ ra tuy nhiên nó là câu có thể . Nhưng không có quy tắc nào ngăn nhà khoa học đề cập đến các bãi biển cũng không có quy tắc nào nói rằng sách quảng bá du lịch không thể đề cập nồng độ của clorua natri. Chúng ta chỉ có thể nói rằng ngôn ngữ đó bất thường ở cả hai ngữ cảnh.
Nếu ý thức được các quy luật bất thành văn này là quan trọng trong tiếng mẹ đẻ thì rõ ràng nó cũng quan trọng khi đề cập đến dịch thuật. Vì trong dịch thuật chúng ta tuân theo không chỉ một bộ quy tắc mà hai bộ quy tắc bất thành văn, và những quy tắc này không luôn luôn trùng lập. Chỉ lấy một ví dụ: một thư thông báo nói với cư dân của một khu phức hợp nhà ở có lẽ chứa đựng (bằng tiếng Anh) các từ ngữ như là: ‘Kindly use the plastic bags provided for rubbish disposal’ (Xin vui lòng dùng túi bằng nylon dành cho việc bỏ rác) hoặc ‘It would be appreciated if residents would not park in the entrance road’ (Sẽ lấy làm cảm kích nếu cư dân không đậu xe ở lối/đường vào). Ở ngôn ngữ khác, việc sử dụng một ngôn ngữ thẳng thừng hơn có thể tự nhiên ở một ngữ cảnh tương tự, ví dụ ‘You must use…’ (Bạn không được …) và ‘Parking is forbidden …’ (Đậu xe bị cấm …)
Ngữ cảnh thì giống nhau, chứ không phải ngữ vực.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Alan Duff. 1996. Translation. Oxford University Press.
2. Hatim, B & Mason, I. Discourse and The Translator.
3. Jack C. Richards. 1999. Longman Dictionary of Language Teaching & Applied Linguistics. Longman.
Nội dung chính